Phạm Thị Vân – siêu kình ngư 16 tuổi và những câu chuyện hậu trường ít ai biết

478
Kình ngư Phạm Thị Vân

Dù mới chỉ 16 tuổi, thế nhưng kình ngư Phạm Thị Vân đã 3 lần đánh bại người đàn chị Phạm Thị Ánh Viên ở hai giải đấu liên tiếp. Đằng sau sự thành công đó là rất nhiều câu chuyện mà ít người biết về kình ngư quê Thanh Hóa này. Năm 2020 đã đánh dấu một sự chuyển đổi lớn của Phạm Thị Vân. Đó là khi kình ngư sinh năm 2005 này đã vượt qua đàn chị Phạm Thị Ánh Viên tại nội dung 50m bơi bướm ở giải VĐQG. Cô gái quê Thanh Hóa đã chứng tỏ rằng việc đánh bại Ánh Viên không phải là may mắn mà là thực lực của cô.

Tiếp tục khẳng định chính mình

Tại giải Bơi bể 25m VĐQG vừa kết thúc tại Huế, Phạm Thị Vân hai lần khiến Ánh Viên phải sắm vai kẻ về sau ở nội dung 50m tự do và 50m ếch. Vân là người duy nhất đánh bại “tiểu tiên cá” Ánh Viên ở giải đấu này tại các nội dung cá nhân.

Niềm hi vọng mới của Việt Nam

Ở tuổi 16, Phạm Thị Vân được kỳ vọng sẽ tiếp bước “đàn chị” Ánh Viên trong tương lai. Và đằng sau những lần đánh bại thần tượng đó là câu chuyện ít ai biết về kình ngư 16 tuổi này. Vân sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa), nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho thể thao nước nhà như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch hay anh em Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng,…

Vốn là mảnh đất lắm nhân tài nên ngành thể thao Thanh Hóa có sự chú trọng đặc biệt đến miền quê này. Ông Trịnh Văn Sáng, Trưởng bộ môn bơi lội Thanh Hóa kể lại: “Năm 2015, vào dịp tuyển sinh, chúng tôi lên Ngọc Lặc, đi đến các trường tiểu học để tìm kiếm VĐV. Khi thấy Vân, chúng tôi liền ưng ý bởi thể hình của cháu rất phù hợp với môn bơi”.

Sự kỳ vọng của nhân tố trẻ tại SEA Games 31

So sánh cả về thành tích lẫn kinh nghiệm, Phạm Thị Vân chưa thể bằng với đàn chị Ánh Viên, Mỹ Thảo, Phương Anh hay Ngọc Thi. Tuy nhiên, khi niềm hy vọng của bơi lội Việt Nam cần những thế hệ kế cận, không ai có thể so sánh với những tài năng trẻ như Phạm Thị Vân. Tại giải bơi lặn quốc gia 2020 được tổ chức ở CLB Bơi lặn Phú Thọ (TP.HCM), cô gái 16 tuổi Phạm Thị Vân đóng vai trò “quân át chủ bài” của Thanh Hoá lại có thành tích ấn tượng khi đánh bại cả Mỹ Thảo lẫn Ánh Viên.

“Sau hai giải các nhóm tuổi bơi lội quốc gia kết thúc; tất cả đều ủng hộ, đặt niềm tin vào em. Mọi người nói em chỉ cần thi đấu hết mình, cố gắng hết sức, không biết người đang bơi bên cạnh mình là ai, bản thân hãy thi đấu hết khả năng của mình vì vạch đích luôn ở trước mặt”, Phạm Thị Vân nhắc lại lời HLV khi bước vào giải.

Dù rất cố gắng nhưng trong 3 ngày thi đấu; Phạm Thị Vân vẫn chưa thể phá được dớp về nhì. Cô gái quê Ngọc Lặc chỉ giành được 3 HCB ở các nội dung 100m bơi tự do; 50m bơi tự do, 50m bơi ngửa và HCĐ ở nội dung 100m bơi ngửa. Những nỗ lực của cô gái 16 tuổi Phạm Thị Vân chỉ được đền đáp ngày thi đấu cuối cùng. Ở nội dung 50m bơi bướm, kinh ngư trẻ Phạm Thị Vân đã đánh bại hai đàn chị là Ánh Viên và Mỹ Thảo để giành HCV với thành tích 27.97 giây.

Khó khăn về yếu tố gia đình

Thế nhưng, chấm được là chưa đủ; nhiệm vụ tối quan trọng của ông Sáng cùng các tuyển trạch viên là làm sao thuyết phục được gia đình để cho con đi theo nghiệp thể thao. “Nhiều cháu có thể hình đẹp, phù hợp môn bơi nhưng gia đình không cho đi vì suy nghĩ còn bé lắm. Mới tuổi lên 9, lên 10, các cháu lo chưa được sao xuống thành phố”, ông Sáng thổ lộ. Với Vân, gia cảnh của cô không quá khó khăn. Bố đi xuất khẩu lao động, mẹ ở nhà làm nông. Cái ăn, cái mặc vẫn đủ qua ngày. “Lúc đó, bố mẹ Vân không cho đi vì còn nhỏ quá”, ông Sáng nhớ lại.

Thế là, để không bỏ sót nhân tài, ông Sáng cùng đội ngũ BHL tìm cách gỡ rối. “Ở Ngọc Lặc có nhiều VĐV theo nghiệp thể thao nên chúng tôi dùng đó để thuyết phục. Chúng tôi đưa phụ huynh xuống ăn; ở sinh hoạt chung cùng các cháu. Sau đó, các cháu nếu có nguyện vọng ở lại thì ở lại. Tuyển sinh các cháu còn bé thì phải chiều các cháu. Thời điểm đầu, bố mẹ Vân xuống vài ngày. Vân bản lĩnh, nói quen rồi thôi bố mẹ về. Tại xuống đó có khoảng 20 cháu đồng trang lứa; Vân thấy vui rồi ở lại chứ lúc đó không biết bơi là gì, thể thao ra sao”, ông Sáng nói.

Phạm Thị Vân 2 lần vượt qua Ánh Viên để giành HCV

Môi trường mới cần phải thích ứng

Những ngày chập chững đầu tiên, các HLV phải sắm vai vừa là thầy; vừa là bảo mẫu, dạy bảo từ những việc nhỏ nhặt nhất như dụng nhà vệ sinh như thế nào; giặt quần áo ra sao, đưa đón đi học,… “Vất vả nhưng không làm thế thì không được”, ông Sáng tâm sự. “Có những cháu ở lại một năm rồi vẫn đòi về. Vân có nhớ nhà nhưng không đòi về. Vì do tính cách cũng như cảm thấy vui ở môi trường có nhiều bạn bè đồng trang lứa”, ông Sáng nhớ lại.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, Vân lao vào tập luyện. Với tố chất sẵn có cùng sự đam mê, kình ngư sinh năm 2005 nhanh chóng có sự thăng tiến. Chỉ sau 3 tháng tập ở Thanh Hóa, Vân được chuyển vào tập huấn ở Đà Nẵng và hai năm sau vào đội trẻ quốc gia.

Năm 2015 mới chập chững làm quen với môn bơi. Ấy thế, chỉ đúng 1 năm sau, Phạm Thị Vân bắt đầu được nhớ đến khi giành các huy chương ở giải đấu mà cô tham dự. “Đó là sự phát triển nhanh của Vân bởi so với các VĐV khác, Vân tập luyện với số năm ít hơn”, ông Sáng nói. “Vân có sức nhanh mà sức nhanh chỉ có di truyền mới có. Tập luyện cũng có nhưng sức nhanh chủ yếu từ bẩm sinh. Sức mạnh, khả năng mềm dẻo; sức bền thì phải tập luyện mới có”, ông Sáng cho biết thêm.

Cứ thi đấu là có giải

Thế là, từ sau năm 2016, Vân tham dự các giải và cứ xuống nước là có Vàng. Mỗi giải trẻ, Vân “bỏ túi” 3,4 hoặc 7 HCV. Đến năm 2019, kình ngư sinh năm 2005 có bước đột phá khi giành 3 HCV ở giải VĐQG. Dù vậy, giải đấu lần này, không có Ánh Viên tham dự. Đến cuối năm 2020, Phạm Thị Vân đã khiến cả “làn đua xanh” sửng sốt khi lần đầu tiên đánh bại thần tượng Ánh Viên tại giải VĐQG và sau đó là hai lần giành HCV ở giải Bơi bể 25m VĐQG 2021.

“Với trình độ của cháu, BHL xác định, tất cả các nội dung đều có thể tranh chấp. Nếu Ánh Viên sẩy chân, Vân sẽ lấy Vàng. Đó không bất ngờ mà là sự đua tranh sòng phẳng. Sự tiến bộ về thành tích theo đúng lộ trình xây dựng. Chúng tôi không cảm thấy bất ngờ”, ông Sáng cho biết.

Có bước phát triển và được xem là người kế nghiệp Ánh Viên trong tương lai, song chặng đường phía trước với Phạm Thị Vẫn vẫn còn rất dài. “Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là tập trung để Vân tham dự SEA Games 31 ở Việt Nam. Nếu đúng với các thông số mà Vân từng đạt được, cháu có thể tranh chấp huy chương. Tuy nhiên, Vân còn trẻ, thiếu kinh nghiệm; cọ xát ít, bản lĩnh thi đấu hơi thiếu. Dù vậy, tất cả đều đặt kỳ vọng lớn vào Vân ở chặng đường sắp tới”, ông Sáng cho hay.

Nguồn: webthethao.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *