Những dấu hiệu nhận biết ung thư bang quang

402
Những dấu hiệu nhận biết ung thư bang quang

Ung thư bàng quang là bệnh thường gặp ở đàn ông. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên, một trong những yếu tố gây ung thư bàng quang đó là khói thuốc lá, bên cạnh đó là môi trường sống và chế độ ăn uống không khoa học.

Khi mắc ung thư bàng quang thường gặp các triệu chứng ở cơ quan tiết niệu sinh dục bao gồm: Tuyến tiền liệt, niệu đạo, niệu quản, thận… Bàng quang là cơ quan trong cơ thể ở phần dưới của bụng, có hình dạng như quả bóng. Đây là bộ phận lưu trữ nước tiểu do thận tạo ra với một lớp cơ rất đặc biệt có thể co dãn để lưu trữ được thể tích lớn hơn hoặc nhỏ hơn.

Bệnh thường gặp

Bệnh thường gặp

Có hai quả thận ở hai bên xương sống, phía trên thắt lưng. Các ống nhỏ trong thận có nhiệm vụ lọc và làm sạch máu; lấy chất thải ra và tạo nước tiểu. Nước tiểu đi từ mỗi thận qua một ống dài gọi là niệu quản vào bàng quang. Bàng quang giữ nước tiểu , nước tiểu được ra khỏi cơ thể qua niệu đạo

Bác sĩ Lê Thanh Xuân, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết ung thư đường tiết niệu là một trong 7 loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới; trong đó ung thư bàng quang chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 80-90%. Căn bệnh cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ với 14.100 trường hợp tử vong mỗi năm.

Tại Việt Nam, ung thư bàng quang là một trong 10 loại ung thư hay gặp ở nam giới. Độ tuổi hay mắc là trung niên và người già. Nữ giới ít gặp hơn nhưng thường phát hiện ở giai đoạn muộn hơn; độ ác tính cao hơn so với nam giới. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng; chủ yếu tiểu máu. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu khác như bí tiểu, tiểu són; tiểu đau, buốt; đau tức vùng thắt lưng – chậu. Một số dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, gầy sút, chán ăn… hiếm gặp hơn và thường thấy ở bệnh nhân giai đoạn muộn.

Nguyên nhân bệnh

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang; trong đó hút thuốc lá dù chủ động hay thụ động là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, gặp trong 50% trường hợp ở nam và 20-30% ở nữ. Nguyên nhân do các chất amin thơm và hydrocarbon thơm đa vòng trong thuốc lá được hấp thụ từ phổi vào máu, lọc qua thận và tập trung trong nước tiểu, gây tổn hại bàng quang làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Những người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư bàng quang cao gấp 2,5-7 lần so với người không hút thuốc lá.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như người bệnh thường xuyên tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại. Một số hóa chất như asen; thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các loại sơn… làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nghề nghiệp tiếp xúc với các amin thơm; hydrocarbon thơm đa vòng là yếu tố quan trọng gây ra tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nam giới, do tính chất công việc thường do nam giới đảm nhiệm.

Một số yếu tố nguy cơ khác như chế độ ăn, tình trạng viêm nhiễm đường niệu và một số thuốc điều trị có thành phần gián tiếp gây bệnh như phenacetin (thuốc giảm đau, có khả năng gián tiếp gây ung thư bằng cách gây độc cho thận và sau này đã được thay thế bằng Acetaminophen để không làm tăng nguy cơ gây ung thư); Thiazolidinediones là thuốc điều trị bệnh đái tháo đường typ 2 cũng đã được nghiên cứu chứng minh có liên quan tới nguyên nhân gây ung thư bàng quang.

Chuẩn đoán bệnh

Chuẩn đoán bệnh

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào nội soi, sinh thiết; kết hợp với xét nghiệm tế bào học nước tiểu. Điều trị phụ thuộc vào vị trí u và giai đoạn bệnh, nhưng chủ yếu là phẫu thuật, có thể kèm theo hóa xạ trị bổ trợ; liệu pháp sinh học hoặc các liệu pháp quang động học, miễn dịch. Bác sĩ cho biết, 80-90% trường hợp mắc bệnh không do di truyền, chỉ 10-20% có yếu tố di truyền.

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của cơ quan tiết niệu, đe doạ trực tiếp đến tính mạng người bệnh, song có tiên lượng khá tốt nếu được chẩn đoán sớm. Để phòng tránh ung thư bàng quang; bác sĩ khuyến cáo không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá. Làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động.

Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết; đào thải các độc tố. Cải thiện chế độ ăn uống, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ; vitamin, chất chống oxy hóa… Đặc biệt, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Các giai đoạn của ung thư bàng quang

Sau khi đã xác nhận mắc ung thư bàng quang, bệnh nhân có thể được bác sĩ yêu cầu làm một số xét nghiệm bổ sung để xác định mức độ; hoặc giai đoạn của ung thư. Các thử nghiệm này bao gồm:

  • CT scan;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Xạ hình xương (bone scan);
  • X-quang ngực.

Các giai đoạn ung thư bàng quang bao gồm:

Giai đoạn 0 (giai đoạn đầu)

Giai đoạn 0 (giai đoạn đầu)

  • Đây là giai đoạn ung thư bề mặt hay còn gọi là ung thư tại chỗ. Dấu hiệu bệnh lúc này hầu như không biểu hiện ra bên ngoài;
  • Các tế bào ung thư chỉ xảy ra trên bề mặt thành bàng quang với kích thước rất nhỏ; chưa xâm lấn các hạch bạch huyết hay các mô liên kết; các cơ bàng quang;
  • Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn này sẽ có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn lên đến 98%. Khi ung thư bàng quang ở giai đoạn 0; các bác sĩ có thể lấy bỏ khối u mà vẫn giữ được bàng quang nhưng tỉ lệ tái phát vẫn ở mức cao.

Giai đoạn 1

  • Đây là giai đoạn ung thư chỉ xảy ra trên bề mặt trong của bàng quang với kích thước lớn hơn. So với các giai đoạn ung thư bàng quang thì đây cũng là giai đoạn có dấu hiệu mờ nhạt nhất;
  • Ở giai đoạn này, ung thư bàng quang có thể phát triển đến mô liên kết dưới lớp lót bàng quang nhưng chưa xâm lấn đến cơ thành; các hạch bạch huyết hay các cơ quan lân cận;

Có trên 88% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn này có thể sống trên 5 năm.

Giai đoạn 2

  • Đây là thời điểm ung thư đã xâm lấn tới thành bàng quang nhưng chưa xâm lấn đến mô quanh bàng quang cũng như các hạch bạch huyết và cơ quan ở xa;
  • Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này cơ hội sống của bệnh nhân chiếm khoảng 63%.

Giai đoạn 3

Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã phát triển qua thành bàng quang vào các mô xung quanh. Nếu là bệnh nhân nam, khối u có thể lan đến tuyến tiền liệt; ở nữ có thể là cổ tử cung hoặc âm đạo. Trường hợp khác, tế bào ung thư có thể lan đến hạch bạch huyết vùng chậu nhưng vẫn chưa di căn đến các cơ quan ở xa.

Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối)

  • Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất trong số các giai đoạn ung thư bàng quang. Ở thời điểm này, tế bào ung thư sẽ di căn đến các hạch bạch huyết; di căn xa đến phổi, xương, gan…
  • Tiên lượng sống cho giai đoạn này chỉ còn khoảng 15%.

Mặc dù có thể điều trị thành công ở giai đoạn sớm nhưng ung thư bàng quang vẫn có nguy cơ tái phát cao. Bệnh có thể tái phát cùng một chỗ hoặc đổi sang những phần khác. Ung thư bàng quang sẽ dẫn đến các biến chứng như: thiếu máu; đi tiểu không kiểm soát, tắc niệu quản…

Nguồn: Vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *