Học tính trung thực từ câu chuyện trả ví của cậu bé khu ổ chuột

502
Bài học về tính trung thực từ cậu bé khu ổ chuột

Cuộc sống con người ngày càng phát triển và trở nên tốt đẹp hơn, nhưng thật ra mối quan hệ giữa người với người đang dần dần biến chất và không còn như trước nữa. Chúng ta ít tin tưởng nhau, đề phòng lẫn nhau để bảo vệ chính bản thân bởi cuộc sống này quá bộn bề và phức tạp. Khoảng cách giai cấp ngày càng lớn, sự khác biệt không thể dùng từ “hai thế giới” để hình dung được nữa. Những khoảng cách ấy cũng dựng lên một bức tường che đi những điều tốt đẹp vẫn diễn ra ở những nơi ta coi là tăm tối và nghèo túng ấy, và bài học hôm nay chính là về tính trung thực.

Câu chuyện về một người đàn ông tỉ phú làm rơi ví và được trả lại bởi một cậu bé khu ổ chuột dơ bẩn và khốn khổ chính là bằng chứng tốt nhất cho tính trung thực của con người. Dù bạn là ai, bạn ở đâu, bạn đang làm gì, thì “nhân chi sơ tính bổn thiện”, bạn sẽ là người mà bạn muốn trở thành, mà không phải là xã hội muốn.

Tỉ phú làm rơi ví ở khu ổ chuột

Vào đầu những năm 1990; khi tỷ phú người Mỹ Ken Behring có việc từ thiện cần đi qua khu vực vịnh San Francisco; ông bất ngờ phát hiện ra chiếc ví của mình đã bị mất. Người trợ lý tin rằng ông chủ của mình đã làm rơi ví ở khu ổ chuột Berkeley. Anh muốn nhanh chóng đưa ông quay lại để lấy lại món đồ.

Tỷ phú Ken Behring trả lời: “Bây giờ quay lại tìm chắc cũng khó. Chúng ta hãy ngồi đây chờ người nào đó tốt bụng nhặt được rồi liên hệ trả lại đi”.

Người tỉ phú làm rơi mất ví tiền ở khu ổ chuột

Sau 2 tiếng chờ đợi, điện thoại vẫn im bặt. Người trợ lý sốt ruột thuyết phục ngài tỷ phú đừng hy vọng gì ở những kẻ bần hàn ở khu ổ chuột. Nhưng ông Ken Behring vẫn bình thản tiếp tục đợi và cho phép người trợ lý về công ty trước nếu có việc cần xử lý.

Tuy ruột gan nóng như lửa đốt; người trợ lý vẫn tiếp tục ngồi đợi cùng ngài Ken Behring. Đến tận lúc mặt trời lặn, thời gian trôi qua một cách vô nghĩa mà không mang lại kết quả gì; người trợ lý thất vọng nói: “Trong ví luôn có sẵn thẻ tên và số điện thoại. Nếu nhặt được họ phải gọi ngay chứ. Tôi tin kẻ đó đã lấy hết số tiền bên trong mà chẳng hề có ý định trả lại đâu”.

Sự chờ đợi không vô nghĩa

Ông Behring kiên nhẫn chờ đến tận nửa đêm. Người trợ lý không thể chịu đựng được và nhất quyết đưa ông về. Đúng lúc này chuông điện thoại vang lên. Ở đầu dây bên kia; có người yêu cầu ông quay lại một con đường gần đó để nhận lại ví.

Những khu ổ chuột xập xệ ở Mỹ

Người trợ lý lại nghi ngờ rằng liệu không biết đây có phải là một vụ bắt cóc hay tống tiền chứ không.

Ông Behring chẳng cần suy nghĩ và ngay lập tức đi đến chỗ hẹn. Hóa ra người nhặt được ví là một cậu bé ăn mặc rách rưới, mặt mũi lấm lem. Người trợ lý cầm chiếc ví để kiểm tra lại; thật bất ngờ, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn.

Khi anh ta trao lại chiếc ví cho ông chủ, cậu bé mới bẽn lẽn lên tiếng: “Thưa ngài, liệu cháu có thể xin ngài một ít tiền được không?”.

Trợ lý nghe vậy thì nghĩ thầm rằng biết ngay mà; làm gì có chuyện mà thằng bé lại trả chiếc ví không công như thế.

Sự thật đằng sau

Ông Behring hỏi đứa bé rằng cậu cần bao nhiêu tiền.

Cậu bé ngại ngùng đáp: “Cháu chỉ xin ngài 1 đô la mà thôi. Cháu tìm thấy chiếc ví của ngài lâu rồi nhưng không có tiền để gọi điện thoại. Cháu đã phải hỏi mãi; chỉ có mỗi ông chủ cửa hàng gần đây là cho cháu mượn tiền để ra trạm điện thoại công cộng. Bây giờ cháu cần có tiền để trả lại cho ông ấy”.

Nghe lời giải thích ấy, cả ngài tỷ phú và người trợ lý đều thấy thật bất ngờ. Ông cúi xuống ôm cậu bé rồi đưa cậu đến cửa hàng để trả lại tiền cho ông chủ quầy. Cậu bé còn được chiêu đãi một bữa ăn no nê thay cho lời cảm ơn.

Bốt điện thoại công cộng ở Mỹ

Bài học về tính trung thực từ cậu bé khu ổ chuột

Chỉ từ một hành động nhỏ, cậu bé khu ổ chuột đã làm thay đổi suy nghĩ của ông trùm bất động sản Ken Behring. Ngẫm lại về những quỹ từ thiện mình đã làm, ông quyết định đầu tư xây dựng trường học cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như cậu bé đó. Trong một lần được hỏi về quyết định này, ông đã mạnh mẽ trả lời:

“Chúng ta không bao giờ được phép đánh giá tất cả mọi người qua vẻ bề ngoài, điều kiện vật chất của họ; không được phép mặc định tất cả những sinh linh sống trong khu ổ chuột đều là kẻ tham lam và ích kỷ. Bất kỳ ai, cho dù sống ở đâu cũng cần được tôn trọng. Chỉ cần có một chỗ ở; cho họ cơ hội chứng minh thì chúng ta có thể tìm thấy những con người ngay thẳng với trái tim thanh tao; cũng như những tấm lòng tốt bụng rất đáng để tự hào. Đó chính là giá trị mà tôi muốn đầu tư và giúp đỡ”.

Tính trung thực là một đức tính của con người; là thứ dùng để bồi dưỡng niềm tin và có sức mạnh thay đổi những suy nghĩ. Dù bạn là ai trên thế giới này, đừng bao giờ quên học cách để trở thành một bông hoa đẹp cho cuộc sống; nếu cảm thấy quá tải, ghé Sống đẹp để có thể đọc được những câu chuyện hay; nạp thêm năng lượng tích cực để có thể tiếp tục chiến đấu nhé.

Nguồn: trithucvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *